Hệ xương khớp, nhất là khớp gối có nhiệm vụ nâng đỡ, vận động, tạo ra tế bào máu, dự trữ mỡ và muối khoáng cho cơ thể. Vì vậy, cần xây dựng thói quen chăm sóc sức khỏe xương khớp mỗi ngày sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa, duy trì sức khỏe xương khớp khi về già.
Theo các chuyên gia khi có tuổi cần bớt các tư thế làm hại khớp. Cụ thể: tránh gập gối vì tư thế này tạo lực kéo với khớp, khiến quá trình thoái hóa xảy ra nhanh hơn. Khi khớp có tiếng kêu “lục khục” là khớp báo hiệu đã trong tình trạng “đuối sức”, cần giảm ngay các công việc nặng nhọc hoặc vận động nhiều. Trong trường hợp thừa cân, cần ăn uống tiết chế để giảm cân nhằm giúp khớp “nhẹ gánh”. Tuy đi bộ là môn thể dục nhẹ nhàng, dễ luyện tập nhưng với những người bị đau khớp thì đi nhiều sẽ làm cho khớp gối chịu lực ma sát, mau mòn, dẫn đến thoái hóa khớp”.
Để giảm đau do thoái hóa khớp gối, có thể cần một cách tiếp cận đa chiều, như: giảm cân, thuốc men phù hợp, liệu pháp thay thế và phẫu thuật. Nếu bạn thừa cân, chỉ cần mất 5% trọng lượng hiện tại là có thể cải thiện được triệu chứng viêm khớp. Theo các chuyên gia, mất chừng 4 kg, áp lực lên đầu gối nhẹ bớt đi, từ đó giúp giảm căng thẳng cho khớp gối.
Tư thế ngồi đúng khi làm việc sẽ tạo sự thoải mái cho khớp gối. Bạn cần xem xét kỹ chiếc ghế ngồi làm việc. Nếu ghế quá thấp, bạn phải gập khớp gối liên tục gây khó chịu; nếu ghế quá cao, bạn phải tìm chỗ đỡ chân khiến khớp gối bị mỏi.
Một chiếc ghế ngồi phù hợp với chiều cao của bạn giúp khớp gối tạo một góc uốn thoải mái, đứng lên hoặc ngồi xuống dễ dàng. Ngồi vắt chéo chân hoặc sử dụng đồ đạc thấp có thể dẫn đến các bệnh về khớp sau này.
Chú ý đến tín hiệu của cơ thể để biết khi nào cần nghỉ ngơi. Một giấc ngủ ngon và một chế độ ăn uống lành mạnh giúp đối phó với bệnh viêm khớp. Khi cơn đau bùng phát, có thể dùng nước đá hoặc khăn nóng chườm lên đầu gối. Lạnh làm giảm viêm, trong khi nóng làm tăng lưu thông máu và làm dịu cơn đau. Đây là những giải pháp tạm thời nhưng có công dụng hữu hiệu.
Xương cũng cần được bổ sung dinh dưỡng mỗi ngày vì vậy ăn uống đảm bảo cũng là một yếu tố cần thiết để đảm bảo sức khỏe của xương. Việc ăn uống không lành mạnh, đặc biệt là dân văn phòng do tính chất công việc khó có thể duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý một cách đều đặn. Tình trạng ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít đồng thời thực phẩm không đa dạng sẽ dẫn đến thiếu hụt nhiều dưỡng chất thiết yếu là những nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh xương khớp như loãng xương, thoái hóa khớp. Như vậy, để đảm bảo sức khỏe xương khớp cần liên tục bổ sung các loại rau quả, ăn vừa đủ thức ăn giàu chất đạm, tinh bột và nên uống sữa để duy trì nguồn dinh dưỡng chăm sóc khớp. Cùng đó duy trì một nếp sống lành mạnh như: tập thể dục, vận động đều đặn khoa học kết hợp với dinh dưỡng đa dạng, giàu vi chất tốt cho xương khớp như: canxi, vitamin D, mangan, selen, chất chống ôxy hóa… là cách phòng ngừa loãng xương và thoái hóa khớp hiệu quả.