Giáo viên xăm hình: "Là việc riêng nhưng không hề vô hại với giới trẻ
Giáo viên xăm hình: "Là việc riêng nhưng không hề vô hại với giới trẻ"
Có thể điều đó xem như vô hại với người lớn nhưng lại là mầm mống xảy ra chuyện với trẻ vị thành niên. Đã làm một giáo viên, chúng ta buộc lòng phải chấp nhận và chịu đựng sự bất công ngành nghề như vậy - TS Vũ Thu Hương chia sẻ.
Vừa qua, Cô Nguyễn Nữ Kiều Vinh – giáo viên dạy tiếng Anh tại trường THPT Việt Trì (Phú Thọ) đã đăng tải lên facebook cá nhân một đoạn status: vì hình xăm mang tính phong thủy ở chân cô bị học sinh phản ánh lên Ban giám hiệu, có người còn đề nghị cô phải xóa hình xăm. Theo cô, việc xăm hình không có gì là xấu, nó là sở thích cá nhân, không ảnh hưởng gì đến ai, cũng như nền giáo dục nước nhà. Nữ giáo viên còn lý giải việc xăm hình còn là cách lưu giữ truyền thống xăm từ cha ông ta thời xưa.
Được biết cô Kiều Vinh đã giảng dạy ngoại ngữ tại trường THPT Việt Trì hơn 23 năm qua, cô từng đạt giải Giáo viên giỏi cấp tỉnh, danh hiệu lao động tiên tiến và được nhiều học sinh trong trường yêu quý, ngưỡng mộ.
Tâm thư cô Kiều Vinh chia sẻ trên trang cá nhânNội dung tâm thư của cô giáo xăm trổ bị học sinh tố lên Ban giám hiệu như sau:
"Thân gửi em học sinh đã phản ánh về hình xăm của tôi với Ban giám hiệu!
Cô rất lấy làm tiếc không thể biết em là ai vì chỉ nghe được thông tin một chiều từ lãnh đạo. Cô chỉ muốn chia sẻ với em vài điều:
Thứ nhất: Cô đã chọn cho mình một hình xăm ý nghĩa mang tính phong thủy và liên quan đến đời tư của cô, không liên quan đến bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.
Thứ hai: Cô đã lựa chọn địa chỉ uy tín của tatoo Việt Nam để đảm bảo mỹ thuật.
Thứ ba: Hình xăm của cô không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục hay hình ảnh của trường, không liên quan đến việc em hài lòng hay không hài lòng.
Vì thế vui lòng mỉm cười khi chúng ta gặp nhau ở nơi trường lớp và nhìn vào mắt nhau để biết cuộc sống này còn nhiều yêu thương, chứ đừng soi xuống bàn chân của cô để thấy phiền lòng chỉ vì cái hình xăm.
Còn việc ai đó nói rằng, tôi phải xóa hình xăm đó đi thì xin lỗi chị nhé! Người có quyền nói câu đó chỉ duy nhất là cha tôi thôi".
Giấy khen Lao động tiên tiến của Sở GD&ĐT Tỉnh Phú Thọ. Ảnh facebook
Sau khi đăng tải status, bức tâm thư của cô nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội với hơn 1 nghìn lượt chia sẻ và hàng trăm comment. Cô Kiều Vinh cho biết tư tưởng của mình thoáng hơn nhiều người có thể là do cô từng đi du học nước ngoài, vi vu nhiều nước, cô khẳng định sẽ không xóa hình xăm này.
Một học sinh có tên facebook là Lạnh bình luận “Em ở 10a4 cô đã dạy 4 tiết, tuy ngắn ngủi nhưng mà em cảm thấy rất vui khi được cô dạy, cô hay cười, thoải mái với học sinh và rất vô tư. Em thấy như vậy là đủ để học sinh có thể chuẩn bị tinh thần học tập tốt nhất. Em cảm ơn cô ạ. Và về hình xăm của cô thì em thấy đúng là đấy là đời tư của cô nên không có gì là sai cả. Hình xăm của cô nếu như không là hình xăm loang lổ hay là không phù hợp với việc dạy học thì em hoàn toàn cảm thấy bình thường ạ. Mà từ lúc cô dạy em còn chả để ý cô xăm ở đâu luôn ^^”
Bạn Nguyễn Thành Trung bình luận “Để có 1 hình xăm theo mình mãi mãi chắc hẳn cô đã suy nghĩ rất kĩ. Việc chịu đau, chịu mất máu để thay thế nó bằng mực nói lên rằng nó quan trọng với cô. Xã hội sẽ chả bao giờ phát triển khi có những con người suy nghĩ lạc hậu và hay phán xét. Em ủng hộ cô”
Bạn Bên Nguyễn chia sẻ “Kệ đi cô, bọn con là học sinh mới vào chỉ quan tâm đến cách dạy của cô thôi, còn hình xăm là một phần cá tính con người nên không đáng bị lên án”
Một bạn có tên Tu Ấn đồng quan điểm: “Em yêu chị, ủng hộ chị, giáo viên cũng có quyền được làm đẹp, hình xăm có ý nghĩa như vậy cứ để đi, mang tính nghệ thuật”
Cô Kiều Vinh chụp ảnh với học sinh khai giảng năm học mới . Ảnh facebook
Song sau khi status này truyền đi, cũng có nhiều ý kiến phản đối cho rằng giáo viên không nên xăm hình sẽ khiến học sinh bắt chước theo, làm xấu đi hình ảnh nghiêm túc của các thầy cô giáo. Trong status câu chữ của cô cũng khẳng khái, có phần là “thô”, không phù hợp.
Song trên thế giới, đã từng có một giáo viên ở Anh có hình xăm trên người, một quản lý nhà hàng xăm trên cơ thể cũng đã bị đuổi việc vì họ đánh mất chuẩn mực. Ý kiến về vấn đề này, tiến sỹ Vũ Thu Hương - Giảng viên trường Đại học sư phạm Hà Nội cho rằng: "Theo tôi, xăm hình hay bất kể việc gì cũng là việc làm riêng tư của cá nhân, không ảnh hưởng gì đến ai. Họ có quyền xăm hình và làm bất kể điều gì họ muốn. Đó là một sự thật mà không ai phản bác được.
Tuy nhiên, là một giáo viên làm việc trong ngành, cô giáo có trách nhiệm với việc giáo dục tư cách đạo đức học sinh. Đây là trách nhiệm đương nhiên mọi giáo viên phải có. Trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi THPT là lứa tuổi khá cứng cổ, thích tranh luận, ít tin vào người lớn và hay nghĩ cách phá đám. Nếu các giáo viên không chuyên trách việc giáo dục các môn học liên quan đến đạo đức tư cách thì cũng không nên tạo điều kiện cho các em phá đám và gây khó dễ trong việc giáo dục hoàn thiện nhân cách của các em.
Tiến sỹ Vũ Thu Hương không đồng tình với lời lẽ trong tâm thư của cô Kiều Vinh
Chúng ta có thể thấy rằng, việc làm của cô tuy là rất riêng tư nhưng đã phần nào làm cho công việc giáo dục đạo đức học sinh gặp khó khăn. Là người sống và làm việc trong ngành, rõ ràng cô giáo Kiều Vinh cần phải chịu trách nhiệm bởi những ảnh hưởng tiêu cực này".
Chia sẻ thêm, TS Hương khẳng định, tâm thư trên facebook của cô giáo là chuyện riêng, lẽ ra không nên xét đoán vấn đề này. Tuy nhiên, facebook là một môi trường rộng mở và công khai. Học sinh, phụ huynh và mọi người đều có thể đọc được, xem được và phán xét được. Những tác động đến giới trẻ là điều dễ nhận thấy, phải quan tâm, đặc biệt là những người làm cha mẹ và các thày cô giáo. Có thể điều đó xem như vô hại với người lớn nhưng lại là mầm mống xảy ra chuyện với trẻ vị thành niên. Vì vậy, là những người chịu trách nhiệm với sự trưởng thành của trẻ, như giáo viên, chắc chắn phải cân nhắc và cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói, cách phản ứng và cư xử. Đó là một điểm thiệt thòi của ngành giáo nói chung cũng như các thầy cô giáo nói riêng.
"Tất cả chúng ta đều biết điều đó nhưng đã làm một giáo viên, chúng ta buộc lòng phải chấp nhận và chịu đựng sự bất công ngành nghề như vậy. Điều này cũng giống như việc các bác sĩ thì đương nhiên là phải chấp nhận việc thức đêm làm ca mà không thể phản ứng lại cho dù điều đó rõ ràng là một sự bất công so với ngành nghề khác.
Vì vậy, trong sự việc này, theo tôi, cô giáo Kiều Vinh hãy suy nghĩ lại mọi chuyện. Bất luận cách cư xử thế nào của cô Kiều Vinh sau này cũng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến chính cô mà còn ảnh hưởng đến học sinh. Là một người hết lòng vì trẻ như cô giáo Kiều Vinh, tôi tin chắc chắn rằng, sau vài phút bực mình bốc đồng, cô Vinh sẽ biết cách cư xử đẹp nhất để học trò tiếp tục kính nể và học hỏi".
Trung tâm gia sư Nhân Văn
VP : THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
VP 1 : 109 TÂN LẬP 2 , P.HIỆP PHÚ, QUẬN 9
VP 2 :294 HÒA HƯNG, P.13, QUẬN 10
VP 3 : ĐIỆN BIÊN PHỦ, P.22, Q.BÌNH THẠNH
VP 4: 453/94 NGUYỄN THỊ MINH KHAI KP 3 P, PHÚ HÒA BÌNH DƯƠNG(ĐỐI DIỆN TRƯỜNG TIỂU HỌC PHÚ HÒA 3)
VP : HÀ NỘI
NGÕ 22 TÔN THẤT TÙNG ĐỐNG ĐA HÀ NỘI
Điện Thoại : 028 3539 1819
Di Động : 0987 927 505 - 0907 750 044- 0919 138 768 - 0972 383848
- asu (15/04/2020)
- 10 “cái nôi” đào tạo 70% tỷ phú của nước Mỹ (16/03/2017)
- Tuyển sinh ĐH,CĐ 2017: Khoa học xã hội "thất sủng", ôn luyện thế nào? (28/02/2017)
- Chốt lịch thi chính thức THPT Quốc gia năm 2017 (04/02/2017)
- Đa dạng phương thức tuyển sinh đại học năm 2017 (02/01/2017)