Nghề sư phạm
Nghề sư phạm
Nghề giáo là một trong số những nghề cao quý trong xã hội. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có quan điểm giống nhau về nghề dạy học. Hiểu về nghề giáo để có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn là một yêu cầu không chỉ với những người trong ngành mà còn với toàn xã hội. Đặc biệt với những người đang và sẽ có ý định lựa chọn con đường làm “kỹ sư tâm hồn” cho thế hệ trẻ thì công việc này càng trở nên quan trọng. Trong phạm vi bài viết của mình, chúng tôi xin trình bày khái quát nhất về những vấn đề có liên quan tới ngành giáo dục như: Yêu cầu, triển vọng, lao động, thu nhâp, cơ sở đào tạo, nơi làm việc. Đây sẽ là những thông tin cần thiết và rất bổ ích cho những ai đang có ý định theo nghề giáo. Giảng dạy là một nghề đặc biệt, không phải ai cũng phù hợp với công việc này. Trong thực tế, có khá nhiều giáo viên đã bỏ việc chỉ sau 3 đến 5 năm công tác. Tuy nhiên, cùng với nghề này lại có rất nhiều phần thưởng “đền đáp”...
1. Yêu cầu:
Phẩm chất và kỹ năng cần có:
- Khả năng truyền đạt tốt trên cả hai phương diện nói và viết
- Giàu tình yêu thương, đặc biệt là yêu lớp người trẻ tuổi.
- Có lòng bao dung, độ lượng và trái tim nhân hậu
- Nhạy cảm, có khả năng nắm bắt tâm lý con người
- Kiên trì, nhẫn nại
- Ham học hỏi và luôn mong muốn truyền đạt lại cho người khác
Về đạo đức:
Người giáo viên cần có phẩm chất nhân cách đạo đức tốt, là tấm gương sáng cho học sinh của mình noi theo
Về kiến thức:
Hoạt động chủ đạo của người giáo viên là giảng dạy, truyền đạt kiến thức của mình tới học sinh, vì vậy người thày cô phải có vốn kiến thức chuyên môn, chuyên ngành vững vàng.
Yêu cầu của nghề nghiệp còn đòi hỏi người giáo viên ko chỉ có chuyên môn, kiến thức vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt mà còn phải năng động, sáng tạo, tâm lý. Người giáo viên đồng thời phải vừa là chủ thể của hoạt động dạy tức là tổ chức, điều khiển họat động học cuả người học, là người định hướng, người tạo điều kiện, hỗ trợ cho học sinh, bên cạnh đó, người giáo viên còn đóng vai trò của một hoạt náo viên…
Tóm lại, người giáo viên phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhất như trên mới có thể làm công việc của mình tốt. Điều đó đòi hỏi phải có cả một quá trình tu dưỡng rèn luyện không ngừng.
2. Thu nhập
Nghề giáo viên là một nghề cao quý, nhưng nghề cao quý không có nghĩa là nghề có thu nhập cao. Trong một chương trình tư vấn hướng nghiệp có một học sinh nữ gọi điện muốn được tư vấn nghề nghiệp đã nói: “ Một cô giáo gần nhà bảo em “ Em là nữ và thích hợp với nghề giáo. Nhưng nên cân nhắc kỹ, nghề giáo phải chấp nhận sự thanh đạm, không giàu sang, em chịu được không?”.
Một giáo viên dạy giỏi nổi tiếng của một thành phố lớn, đã từng có mấy chục năm trong nghề cũng nhận định: “Tôi xác định, khó khăn của cuộc sống chỉ là tạm thời và khi đã vào nghề dạy học, đừng có nghĩ đến chuyện làm giàu”.
Lương bậc 01 của ngạch nhân viên văn thư trường học chỉ là 1,86, tính ra thành tiền (theo mức lương tối thiểu 2.130.000 đồng) sau khi trừ các khoản theo quy định như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, phần còn lại trên dưới năm trăm ngàn đồng, tôi không biết làm sao họ có thể sống với số tiền trên.
Với điều kiện tuyển dụng khá nhẹ nhàng, có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông kèm theo chứng chỉ A Tin học, nhưng để được tuyển dụng cũng chẳng phải dễ. Với số tiền lương như trên nhưng hợp đồng làm việc yêu cầu là 8 giờ/ ngày. Mang tiếng là có việc làm nhưng hầu như toàn bộ các khoản chi tiêu cho cá nhân đều phải "cầu viện" gia đình hoặc phải tranh thủ làm thêm công việc khác.
Đối với thu nhập của giáo viên , nếu được xếp vào ngạch giáo viên trung học phổ thông với trình độ đại học, bậc lương khởi điểm là 2,34 cộng thêm 30% phụ cấp ưu đãi, sau khi trừ đi các khoản theo quy định phần thực nhận chưa đến 3 triệu đồng/ tháng, nhưng họ chỉ được hưởng 85% trong một năm tập sự. Đối với các bậc lương của ngạch giáo viên trung học cơ sở, tiểu học và mầm non lại càng thấp hơn nữa. Tuy được nhận khoản thu nhập như trên nhưng mỗi khi tiếp xúc với người khác ngành thì người ta luôn khẳng định và hỏi lại "thu nhập giáo viên dạo này đỡ lắm phải không?", thực tế họ đã bị oan, các thầy cô thường nói vui: Chữ "đỡ" đây là đúng, là phải có người "đỡ" mới sống được; câu hỏi trên chỉ đúng một phần đối với những nơi, những người có "điều kiện" tăng thu nhập, còn phần lớn chẳng còn gì ngoài thu nhập nêu trên. Về chi tiêu, ngoài tiền lo cho lương thực, thực phẩm đảm bảo cuộc sống bình thường hàng ngày còn phải chi vô số khoản khác như: Đổ xăng xe, may trang phục, mua vật dụng để làm đồ dùng dạy học, đánh máy giáo án...; về trang phục do làm công việc đặc thù nên ăn mặc phải lịch sự, kín đáo, đẹp, không xuề xòa, khi đứng lớp phải mặc áo dài hay comple đối với nữ và áo sơ mi quần tây đối với nam; đặc biệt là khoản chi phí để hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu của ngành quy định như tin học, ngoại ngữ... mỗi khoản nếu không nói ra thì ai cũng biết là bao nhiêu rồi.
Với mức thu nhập và chi tiêu như trên thì hàng tháng một giáo viên chỉ có thể đảm bảo cuộc sống một cách hết sức chật vật nếu không bị đau ốm đột xuất. Để có điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện công việc, hầu hết giáo viên phải vay tiền và trừ vào thu nhập hàng tháng của các tổ chức tín dụng để mua phương tiện đi lại và để làm thêm kinh tế phụ. Thu nhập thấp nhưng trách nhiệm thì vô cùng nặng nề, ngoài thời gian đứng lớp còn phải soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, chuẩn bị chương trình phục vụ thanh tra của ngành, vận động học sinh bỏ học, công tác văn thể... làm cho đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, vì vừa phải lo cho công việc vừa phải lo cho cái ăn hàng ngày.
Theo bậc lương hiện nay, một giáo viên khi mới ra trường, biên chế thì lương khởi điểm là hơn 3 triệu đồng. Số tiền đó thực sự là một con số quá ít ỏi so với mức sống như hiện nay. Với số tiền lương đó nếu sống tại các vùng quê còn khó khăn, sống tại các thành phố lớn càng khó khăn gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, với những ai thực sự có tâm huyết với nghề thì vấn đề tiền lương không phải là một vấn đề quá lớn mà quan trọng là yếu tố tinh thần, họ sẽ tìm được niềm vui và thành công trong sự nghiệp dạy học của mình.
Ngày nay Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm tới đời sống của giáo viên. Trong một vài năm tới chúng ta có quyền lạc quan, tin tưởng rằng đời sống của những người giáo viên thực sự tâm huyết với nghề sẽ không còn khó khăn nữa.
3. Cơ sở đào tạo
Sau khi học Phổ thông, những ai yêu thích và có nguyện vọng lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai là giáo viên sẽ nộp hồ sơ và dự thi tại các trường Đại học và cao đẳng Sư phạm trên toàn quốc. Nếu trúng tuyển thí sinh sẽ được đào tạo kiến thức nghề nghiệp tại các trường Đại học và cao Đẳng Sư phạm mà mình đã lựa chọn dự thi. Thời gian học tại trường Đại học là 4 năm, tại các trường cao đẳng là 3 năm.
4. Điều kiện làm việc và cơ hội làm việc
Trong ngành sư phạm, bạn có thể làm việc tại:
- Hệ thống các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, cao đẳng, đại học trong cả nước.
- Các cơ quan quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Phòng, Ban Giáo dục tại các địa phương trong cả nước.
- Các tổ chức, trung tâm trong và ngoài nước về giáo dục...
Đây là nghề thường đòi hỏi bạn phải được đào tạo chính quy trong trường sư phạm hoặc có chứng chỉ sư phạm. Với phái nữ, đây là một trong những sự lựa chọn được ưu ái nhất bởi có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, ít va chạm với những bon chen của xã hội. Cùng chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, số trường lớp ở nước ta không ngừng tăng trong những năm qua dẫn đến nhu cầu tuyển dụng giáo viên lớn. Hiện nay, bậc lương của nhà giáo là một trong những thang, bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, do số lượng người theo học ngành này thường đông nên cạnh tranh tuyển dụng khá gay gắt
Học viện quản lý giáo dục: tuyển sinh 3 ngành gồm:
- Quản lý giáo dục: Nơi làm việc: Cán bộ, chuyên viên các phòng/ban đào tạo, tổ chức hành chính, kế hoạch tài chính, đánh giá chất lượng, quản lý dự án, … trong các cơ quan quản lý GD-ĐT (Vụ, Viện, Sở, Phòng); Các trường, cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập; các tổ chức chính trị, xã hội; Hoặc làm cán bộ giảng dạy.
- Tin học ứng dụng. Nơi làm việc: Chuyên viên công nghệ thông tin tại các cơ quan quản lý GD-ĐT và các trường, cơ sở giáo dục; Các tổ chức, cơ quan Nhà nước, tư nhân; Các doanh nghiệp hoặc làm cán bộ giảng dạy.
- Ngành Tâm lý học. Nơi làm việc: Giáo viên, giảng viên tại các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; Cán bộ, chuyên viên, nghiên cứu viên tại các cơ quan quản lý giáo dục (Vụ, Viện, Sở , Phòng) và các cơ quan nghiên cứu; chuyên gia tư vấn tâm lý trong các trung tâm tư vấn tâm lý, các tổ chức chính trị xã hội.
5. Những khó khăn và thuận lợi khi bạn là một giáo viên
Những khó khăn của nghề giáo:
- Nghề giáo là một nghề rất vất vả và cần rất nhiều hy sinh trong lặng lẽ. Nghề giáo chỉ nhàn hạ với những người thầy không có trách nhiệm với nghề.
- Ngoài giờ dạy chính khóa, GV về nhà còn phải soạn giáo án, chấm bài, ghi sổ sách
- những công việc tốn thời gian nhất. Việc chấm bài thường khiến nhiều người ngại. Soạn giáo án là việc đương nhiên, có nó, giờ dạy mới bài bản và có chút “lửa” (chỉ dám nói là có chút thôi, vì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác). Ghi sổ sách là việc bất đắc dĩ, vì riêng đi dạy đã mệt bở hơi tai, còn thời gian và sức lực đâu cho cái việc luôn được coi là hình thức ấy? Nói vậy để thấy áp lực công việc đối với GV không hề nhỏ.
- Đồng lương không cao khiến nhiều giáo viên không thiết tha với công việc.
Thuận lợi
Tuy nhiên, nghề giáo viên cũng có rất nhiều niềm vui. Sau đây tôi xin trích dẫn một ý kiến có thể nói đã khái quát được những mặt tích cực, mà đọc xong có thể nhiều người sẽ quên đi những khó khăn trên để lựa chọn ngành nghề mà mình yêu thích:
- Một là, phát hiện nhnững tiềm năng của HS
Tất nhiên không phải mọi học sinh trong lớp của bạn đều sẽ thành công song thực tiễn đó không ngăn cản tiềm năng thành công của mọi học sinh. Việc khám phá những tiềm năng này sẽ rất thú vị, mỗi năm học mới sẽ đem đến cho bạn những thách thức mới và những cơ hội thành công mới.
- Hai là, những thành công của học trò
Cũng gần như lý do vừa nêu, những thành công học trò gặt hái được chính là động lực khuyến khích các giáo viên phát huy công tác. Khi có học sinh nào đó không hiểu một khái niệm và nhờ sự giúp đỡ của bạn em đó đã hiểu ra, chỉ riêng điều đó đã khiến bạn phấn chấn rất nhiều rồi. Nhất là khi bạn có thể tiếp cận được với những học trò mà người khác cho là “không thể dạy dỗ” được thì quả thực thành công này rất đáng để bạn đổ ra bao tâm huyết cho công việc.
- Ba là, dạy học cũng giúp bạn tự bồi bổ thêm kiến thức
Bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu về một vấn đề nào đó tốt hơn khi bạn bắt đầu giảng về nó. Tôi còn nhớ năm đầu tiên tôi dạy chính trị. Tôi đã tiếp thu các khoá học về khoa học chính trị ở đại học và nghĩ rằng mình rất biết những việc đang làm. Nhưng những câu hỏi của sinh viên đã buộc tôi phải đào sâu suy nghĩ và học hỏi thêm. Một câu ngạn ngữ cổ nói rằng phải mất ba năm giảng dạy để thực sự nắm vững về một vấn đề nào đó quả là rất đúng theo những gì tôi đã trải qua.
- Bốn là, luôn vui vẻ mỗi ngày
Nếu bạn có thái độ tích cực và khiếu hài hước, bạn sẽ luôn tìm thấy những điều có thể cười vui mỗi ngày. Đôi khi nhờ những câu chuyện vui bạn kể làm các sinh viên phá lên cười nhưng cũng có khi chính các em học sinh sẽ kể chuyện vui cho bạn nghe. Cũng có lúc các em nói điều gì đó thật buồn cười mà lại không nhận ra điều đó. Hãy biết tìm kiếm niềm vui và tận hưởng chúng mỗi ngày.
- Năm là, tác động đến tương lai học trò
Điều này nói ra có vẻ hơi “cũ rích” nhưng đúng là mỗi ngày qua các giáo viên đã góp phần hình thành nên tương lai cho học sinh của mình. Trong thực tế, có thể thấy càng ngày các em càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ thầy cô giáo chứ không phải bố mẹ.
- Sáu là, trẻ trung hơn
Thường xuyên ở bên những người trẻ tuổi sẽ giúp bạn am hiểu về suy nghĩ, ý tưởng và chiều hướng tình cảm của những người trẻ. Điều đó cũng giúp xoá bỏ những rào cản về khoảng cách thế hệ.
- Bảy là, tự trị trong lớp học
Sau khi khép lại cánh cửa lớp học và bắt đầu giảng dạy thì giáo viên chính là người duy nhất có quyền quyết định mọi việc. Không có nhiều công việc tạo cho người ta cơ hội có được nhiều không gian để sáng tạo và tự trị đến như vậy.
- Tám là, giúp ích cho cuộc sống gia đình
Nếu bạn đã có con đến tuổi đi học thì lịch làm việc ở trường sẽ cho phép bạn có thời gian nghỉ ngơi giống như các con. Thêm nữa, mặc dù đôi khi bạn phải đem việc về nhà làm nhưng bạn luôn có thể về nhà gần như đúng giờ cùng với các con.
Chín là, công việc ổn định
Ở nhiều nơi giáo viên là lực lượng tương đối khan hiếm. Điều đó cho thấy để tìm công việc giảng dạy không khó, mặc dù bạn có thể phải chờ tới thời điểm bắt đầu năm học và có khi phải dạy ở xa nhà. Tất nhiên về yêu cầu với giáo viên thì mỗi vùng mỗi khác nhưng nếu đã chứng tỏ được mình là người có năng lực giảng dạy thực sự, bạn sẽ tìm được việc cũng như chuyển đổi công tác rất dễ dàng.
- Mười là, được nghỉ hè
Trừ khi bạn làm việc ở một trường thực hiện chương trình giảng dạy suốt cả năm, còn không bạn sẽ được nghỉ hè khoảng một vài tháng. Thời gian nghỉ đó bạn có thể tranh thủ làm thêm một công việc nào đó như dạy thêm hoặc nghỉ ngơi, đi du lịch.
Phạm Chinh (Nguồn hướng nghiệp)
Trung tâm gia sư Nhân Văn
VP : THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
VP 1 : 109 TÂN LẬP 2 , P.HIỆP PHÚ, QUẬN 9
VP 2 :294 HÒA HƯNG, P.13, QUẬN 10
VP 3 : ĐIỆN BIÊN PHỦ, P.22, Q.BÌNH THẠNH
VP 4: 453/94 NGUYỄN THỊ MINH KHAI KP 3 P, PHÚ HÒA BÌNH DƯƠNG(ĐỐI DIỆN TRƯỜNG TIỂU HỌC PHÚ HÒA 3)
VP : HÀ NỘI
NGÕ 22 TÔN THẤT TÙNG ĐỐNG ĐA HÀ NỘI
Điện Thoại : 028 3539 1819
Di Động : 0987 927 505 - 0907 750 044- 0919 138 768 - 0972 383848
- Làm gì để bé yêu giỏi ngoại ngữ ngay từ mẫu giáo (11/08/2015)
- Giáo viên sợ...Tết (20/01/2015)
- Học sinh hối hả đi học thêm ban đêm tại trung tâm (09/12/2014)
- Đã chọn nghề giáo thì đừng toan tính! (16/11/2014)
- Bí quyết viết chữ đẹp (29/10/2014)